Mỹ Dung

Từ sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề điện tử. Tôi xin được công việc ở cửa hàng sửa chữa điện tử – máy tính. Cửa hàng nằm về phía bên kia chân cầu Hậu Huyền so với nhà tôi nằm ở hướng ngược lại. Cửa hàng có lượng khách ổn định. Cung cấp một nguồn thu về mặt tài chính đủ để trả lương cho hai nhân viên là tôi và Hào, một kỹ thuật viên máy tính. Phần còn dư sau khi trả lương cho hai nhân viên và các chi phí khác đủ đem lại cho ông chủ tiệm kiếm đồng ra đồng vào. Kinh doanh tư nhân mà hoạt động thuận lợi vậy thì không khí làm việc rất thoải mái và hai đứa nhân viên cũng có thêm chút lương mềm ngoài khoản lương cứng cố định kia.

Nhớ lại cách đây ba năm, khi tôi bắt đầu chính thức được nhận vào làm với đồng lương là một triệu tám mỗi tháng. Đến nay lương của tôi là hơn hai triệu rưỡi. Thêm chút ít lương mềm là khoảng ba triệu. Cộng vào một ít chi phí gia đình chu cấp và thêm tính tôi ít tiêu xài hoang phí nên cũng tạm đủ sống. Hơn nữa còn để dành được chút ít. Tôi hiểu nghề nghiệp của tôi cũng được xếp chung vào tầng lớp lao động. Mà tầng lớp lao động thì khó mà giàu được. Nghề lao động nào cũng cực, nghề sửa chữa điện tử cũng vậy. Vì thế tôi hiểu gia đình nào cũng muốn con cái có được mảnh bằng đào tạo đại học. Vì tiếng tăm là một, nhưng chủ yếu nó có tương lai hơn. Ít ra lương đại học cũng cao hơn lương trung cấp, và còn có nhiều con đường để học lên. Tuy hiểu vậy, nhưng tôi không bao giờ mở miệng than van. Chính vì tôi khắc cốt ghi tâm một câu nói của Mỹ Dung nói với Huyền, mà một lần vô tình tôi nghe được: “Đừng bao giờ phàn nàn, vì 80% người nghe bạn phàn nàn sẽ không quan tâm, 20% còn lại sẽ cho rằng bạn xứng đáng với điều đó”. Nó trở thành phương châm sống của tôi. Tôi cố gắng không buồn, không chán, không than van. Tôi sống lạc quan và làm việc chăm chỉ. Với hy vọng sau này sẽ mở được một cửa tiệm sửa chữa điện tử riêng của mình. Vì chỉ có làm chủ, ta mới giàu được. Nếu không sẽ sống hoài một cuộc đời thầm lặng như tôi hiện giờ.

Sáng nay ông chủ tiệm đi vắng. Hào thì đang xin nghỉ phép. Cửa hàng chỉ còn do mình tôi trông coi. Tôi đến sớm để thay tụ cho hai cái mainboard, công việc còn dang dở hôm qua. Thay tụ cho main là một công việc đơn giản nhưng thú vị. Nó thú vị vì nó thể hiện được tay nghề khéo léo của người làm. Thứ tự chỉ là theo năm bước: hun nóng chân tụ, hút chì, rút tụ cũ, thay tụ mới vào, hàn chân. Một cái mainboard của máy tính xài lâu năm thì chất lượng tụ bị giảm sút, thể hiện bằng việc phù đầu tụ mà ta dễ dàng quan sát thấy bằng mắt thường. Tụ là nguồn cung ứng điện cho mainboard, đảm bảo sự ổn định cho dòng điện một chiều. Khi cả dàn tụ của main bị phù thì main hoạt động chập chờn và kết cục là người chủ phải khệ nệ ôm cái case máy tính đem đi kiểm tra. Gần nhất là có hai người đã phải khệ nệ ôm case đi sửa và hai cái main đó hiện đang nằm trên bàn làm việc của tôi. Thao tác thay một cái tụ thì đơn giản, nhưng thay cả một dàn tụ trên main thì mất thời gian. Ai làm nhanh hơn, vết hàn chì chân tụ đẹp hơn, nhanh gọn hơn, sẽ là người thợ giỏi hơn. Ở nước ngoài, nhất là Anh, hay có những cuộc thi kỳ lạ. Nếu ở Việt Nam mình cũng tổ chức một cuộc thi kỳ lạ như thi thay tụ nhanh thì tôi sẽ tham gia và chắc sẽ đoạt một vị trí không tồi.

Vừa lắp hai cái main vào case, kiểm tra và bắt vít xong xuôi thì tôi nhận được điện thoại của mẹ. Mẹ gọi bảo dì Thanh – mẹ của Huyền mới gọi, hỏi mẹ xem tôi có thể đi với Huyền về quê một chuyến không. Vì Huyền tốt nghiệp xong về Bình Dương một thời gian nhưng vẫn chưa tìm được một công việc ưng ý. Nên nó muốn về thăm quê một chuyến, thăm họ hàng và thắp nén nhang cho ông bà tổ tiên, như để báo cáo với ông bà rằng mình đã hoàn thành một giai đoạn trong cuộc đời. Huyền đi với một đứa bạn gái nữa, nhưng dù sao có tôi đi kèm thì an tâm hơn. Tôi nhận lời nhưng phải để vài hôm nữa để sắp xếp công việc. Vài hôm sau Hào đi làm trở lại. Tôi xin phép nghỉ khoảng hai tuần để về quê thăm họ hàng. Ông chủ tiệm đồng ý. Và thế là tôi đi mua sắm vài thứ linh tinh, chuẩn bị hành trang cho chuyến về quê này.

Quả như tôi nghĩ, Mỹ Dung là người đi chung với Huyền về quê chơi. Lần về này có một thuận lợi ở bước khởi đầu là được đi xe riêng chứ không phải đi xe khách. Có một người trong gia đình mà tôi gọi là chú Đăng. Vợ con chú Đăng sống ở thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Chú vào Sài Gòn chạy xe khách cho người ta. Còn quê tôi và Huyền ở gần thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Lần này chú lái một chiếc xe Zace bảy chỗ đời 2002 mà chú mới mua lại của người ta chở chúng tôi về. Chú sẽ đưa ba đứa ra quê, xong quay lại Đông Hà. Khi nào chúng tôi về thì chú sẽ ra đón vô miền Nam lại. Cuộc hành trình bắt đầu từ lúc gần trưa, để canh thời gian ra ngoài kia cũng sẽ khoảng giữa trưa cho thong thả. Xe rộng rãi nhưng chú Đăng phải chở rất nhiều đồ chiếm hết khoang sau xe. Còn ghế trước cạnh tài xế, theo luật giao thông thì người ngồi ở ghế này cũng phải thắt dây an toàn như tài xế. Nên tôi, Mỹ Dung và Huyền ngồi chung với nhau ở băng ghế thứ hai cho thoải mái. Huyền thích ngồi sát cửa kiếng, bởi vậy Mỹ Dung ngồi ở giữa, còn tôi thì ngồi sát cửa kiếng phía bên kia.

Xe dừng lại vài lần cho chúng tôi rửa mặt, giải quyết nhu cầu cá nhân. Ba đứa tôi trò chuyện, hỏi thăm tình hình của nhau một cách bình thường, thỉnh thoảng lặng im nghe nhạc, thỉnh thoảng nghe chú Đăng kể chuyện lái xe. Chú bảo ba đứa không biết chứ chạy xe khách, những lúc chạy đường dài, vắng, cả một đoàn xe khách nối nhau đạp ga hết cỡ. Có khi lên tới cả hai trăm cây số trên giờ. Nghe mà không tin nổi. Chạy được như thế mới được nể bởi dân trong nghề. Thằng nào không dám chạy thì bị coi thường, bị khích bác: đi mà lái xe ôm đi. Ai dám đu theo nhau với những tốc độ kinh hoàng ấy thì mới xem là “được”. Mới sống trong nghề với nhau được. Cái luật nghề nó nghiệt ngã thế. Ấy vậy mà chú cũng chỉ mới có bằng B2. B2 là bằng lái có thể dùng trong kinh doanh vận tải, được chạy xe chở khách từ 8 người trở xuống. Cả tài xế nữa là đến 9 người tối đa. Hoặc lái xe tải dưới 3,5 tấn. Nhưng chú vẫn lái xe khách 50 chỗ là chuyện thường. Xe chở khách 45, 47 hay 50 chỗ đều là chỉ một loại xe. Tính số ghế cho khách thì là 45, tính cả ghế tài và ghế lơ thì là 47, mà gọi cho chẵn thì cứ thế gọi 50. Tương tự như ta gọi lẫn lộn giữa xe 4 và 5 chỗ, xe 7 và 8 chỗ. Chú Đăng cười khà khà và giải thích cho chúng tôi nghe về cái bằng “ba mùa”. Cái bằng ba mùa mưa ấy nghĩa là xài được ba năm. Là bằng thật. Có giấy tờ hợp lệ, nhưng không có hồ sơ gốc. Mà ai quan tâm tới hồ sơ gốc khi sự việc cần trình ra giấy tờ lại đang ở ngoài đường xá. Vậy là cứ mỗi ba năm. Cánh tài xe khách lại phải bỏ ra năm triệu để sắm một cái bằng ba mùa mà dùng, cộp dấu bằng E đàng hoàng, chỉ để lo việc kiếm miếng cơm, manh áo. Lại còn hãng xe Thành Bưởi có bà phó chủ tịch nước chống lưng. Hãng xe Cúc Tùng uy thế cao ngút trời. Gã chủ hãng tuyên bố một năm cho phép “ăn” bốn mạng. Các năm sau cứ thế mà cộng dồn lại. Bởi thế, chạy đấu đầu mà xe Cúc Tùng đấm còi, đá đèn là xe kia phải lo né. Đã có lúc bốn chiếc Cúc Tùng dàn hàng ngang mà phóng bạt đường. Những chiếc xe khách khác phía sau cứ thế cười híp mắt mà co cẳng đu theo. Tôi nghe mà ái ngại. Chỉ biết nhăn mặt cười trừ.

Khoảng bảy giờ tối, xe dừng lại ở Phan Thiết để dùng cơm tối. Bữa cơm tối ngon, vừa miệng. Bốn người ai cũng ăn nhiệt tình và thoải mái. Ba đứa chúng tôi đúng là sống theo kiểu bài bản. Chẳng hẹn mà cả ba cùng cầm bàn chải đi đánh răng một lượt sau khi ăn. Tôi nhường cho Huyền và Mỹ Dung đánh răng trên lavabô, còn mình thì đánh răng ở vòi nước thấp gần đó. Nhìn lavabô tôi bỗng nhớ tới chiếc quần lót của Huyền năm nào. Vừa đánh răng tôi vừa nghĩ, không biết… không biết Huyền có còn mặc loại quần như năm nào không… loại có viền ren nhỏ, xinh xắn, có đính nơ ở giữa, phía trước lưng quần.